Chủ thể trong giao dịch ủy quyền và một số lưu ý

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các giao dịch kinh tế, dân sự, thương mại ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không phải lúc nào chủ thể cũng trực tiếp tham gia thực hiện các giao dịch mà thông qua người đại diện theo uỷ quyền và hợp đồng uỷ quyền là căn cứ để người đại diện thực hiện các giao dịch cho cá nhân hoặc tổ chức mà mình làm đại diện. Bài viết này phân tích, tư vấn và lưu ý quan trọng về chủ thể trong giao dịch uỷ quyền để quý khách hàng tham khảo.

Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Chủ thể của hợp đồng uỷ quyền bao gồm bên uỷ quyền và bên nhận uỷ quyền. Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Dân sự quy định: Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó”. Như vậy, cá nhân và pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện các giao dịch, ngoại trừ một số trường hợp pháp luật quy định hạn chế hoặc không được uỷ quyền cho người khác.

Một số lưu ý đối với các bên trong giao dịch uỷ quyền:

  • Các bên trong giao dịch uỷ quyền phải đáp ứng điều kiện về năng lực hành vi dân sự: Người từ đủ 15 tuổi có thể trở thành bên được uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ 18 tuổi trở lên xác lập, thực hiện. Ví dụ: đối với đối tượng là nhà ở thì phải tuân theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 119 Luật Nhà ở: “Nếu là cá nhân phải có đủ năng lực hành vi dân sự” hoặc đối với trường hợp đại diện theo uỷ quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức thì phải thoả mãn điều kiện quy định tại Khoản 5, Điều 15 Luật Doanh nghiệp.
  • Đối với bên nhận uỷ quyền là pháp nhân thì ngoài quy định chung, đối với một số giao dịch pháp nhân phải đăng ký ngành nghề kinh doanh tương ứng, như quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật Nhà ở quy định: “Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, được ủy quyền quản lý nhà ở là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập; trường hợp là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này; nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản”.
  • Lưu ý đối với trường hợp nhiều người cùng làm đại diện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, pháp luật ngân hàng
  • Lưu ý một số trường hợp không được làm người đại diện theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự: Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật, bao gồm:

“1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:

  1. a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
  2. b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
  3. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
  4. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.”
  • Lưu ý uỷ quyền liên quan đến nhà ở:

Người thuê nhà công vụ không được ủy quyền quản lý nhà ở công vụ theo quy định tại Điều 34 Luật Nhà ở; Ủy quyền quản lý nhà ở là việc chủ sở hữu nhà ở ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở trong việc quản lý, sử dụng nhà ở trong thời hạn được ủy quyền. Việc ủy quyền quản lý nhà ở chỉ được thực hiện đối với nhà ở có sẵn (Điều 155 Luật Nhà ở); Việc ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất phải được các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung đồng ý; trường hợp chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì có quyền ủy quyền cho người khác quản lý phần quyền sở hữu của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ sở hữu chung khác. (Điều 156 Luật Nhà ở)

Trên đây là những lưu ý quan trọng trong quá trình thực hiện giao dịch uỷ quyền, đặc biệt các lưu ý liên quan đến chủ thể tham gia giao dịch cần các bên tham gia giao dịch chú trọng để đảm bảo giao dịch uỷ quyền đúng quy định của pháp luật, đạt được mục đích của các bên tham gia giao dịch, hạn chế các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện việc uỷ quyền.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về “các nội dung liên quan đến chủ thể trong giao dịch uỷ quyền“. Trường hợp quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí. Trân trọng./.

(Luật sư Trịnh Thị Ngân)