Điều kiện nhập khẩu, buôn bán hoá chất Axit Nitric, có công thức hoá học là HNO3, nồng độ 98% (viết tắt là “HNO3 98%”) 

A. Căn cứ pháp lý

  • Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội;
  • Nghị định 113/ 2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ.

B. Yêu cầu của Quý khách hàng

Quý khách hàng mong muốn Khoa Tín tư vấn các quy định pháp luật liên quan để nhập khẩu và buôn bán hóa chất HNO3 98% cho các Công ty hoạt động trong Khu công nghiệp.

C. Ý kiến pháp lý

HNO3 98% là hóa chất thuộc:

  • Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được quy định tại Bảng 1 Phụ lục IV (Kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP) trong trường hợp ngưỡng khối lượng hóa chất tồn trữ lớn nhất tại một thời điểm từ 5.000 (kg) trở lên.

Khi khách hàng kinh doanh HNO3 98% có lượng tồn trữ lớn nhất tại một thời điểm từ 5.000 (kg) trở lên thì phải xây dựng và thẩm định xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP: “Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng hóa chất có ít nhất 01 hóa chất thuộc Phụ lục IV kèm theo Nghị định này với khối lượng tồn trữ lớn nhất tại một thời điểm lớn hơn hoặc bằng ngưỡng khối lượng quy định tại Phụ lục này phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với tất cả các hóa chất nguy hiểm mà dự án có hoạt động và trình bộ quản lý ngành, lĩnh vực thẩm định, phê duyệt trước khi chính thức đưa dự án vào hoạt động”.

Trường hợp kinh doanh hóa chất HNO3 98% nhưng khối lượng tồn trữ lớn nhất tại một thời điểm nhỏ hơn 5.000kg, theo quy định tại khoản 1, Điều 21 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, Quý khách hàng không phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

  • Danh mục hóa chất phải khai báo được quy định tại phụ lục V (Kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP), theo Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP: 

“Điều 25. Hóa chất phải khai báo

  1. Danh mục hóa chất phải khai báo được ban hành tại Phụ lục V kèm theo Nghị định này.”

Như vậy, khi nhập khẩu HNO3 98%, Quý khách hàng cần thực hiện khai báo cho cơ quan có thẩm quyền thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP. Trường hợp nhập khẩu, buôn bán HNO3 98% có ngưỡng khối lượng hóa chất tồn trữ lớn nhất tại một thời điểm từ 5.000 (kg) trở lên cần phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Trường hợp nhập khẩu, buôn bán HNO3 98% có ngưỡng khối lượng hóa chất tồn trữ lớn nhất tại một thời điểm dưới 5.000 (kg) cần phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất. Ngoài ra, Quý khách hàng cần đáp ứng điều kiện theo chung để đảm bảo an toàn trong kinh doanh hoá chất. Cụ thể như sau:

1. Điều kiện theo yêu cầu chung để đảm bảo an toàn trong kinh doanh hoá chất HNO3 98%

Theo quy định tại Điều 12 của Luật hóa chất 2007; Điều 4, khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 6, Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Điều kiện theo yêu cầu chung để đảm bảo an toàn trong kinh doanh hoá chất HNO3 98% bao gồm: 

1.1. Cơ sở vật chất – kỹ thuật: 

  1. Nhà xưởng, kho chứa: Đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với tính chất, quy mô và công nghệ; Có lối, cửa thoát hiểm; Hệ thống thông gió của nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống thông gió; Hệ thống chiếu sáng đảm bảo theo quy định để đáp ứng yêu cầu sản xuất, lưu trữ hóa chất; Thiết bị điện trong nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ; Sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải chịu được hóa chất, tải trọng, không gây trơn trượt, có rãnh thu gom và thoát nước tốt; Nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải có bảng nội quy về an toàn hóa chất, có biển báo nguy hiểm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất, treo ở nơi dễ thấy; Trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống sét, phòng, chống rò rỉ, phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác;
  1. Công nghệ, thiết bị: Thiết bị kỹ thuật phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với chủng loại hóa chất và quy trình công nghệ, đáp ứng được công suất sản xuất, quy mô kinh doanh. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị;
  2. Trang thiết bị bảo hộ lao động;
  3. Trang thiết bị bảo vệ môi trường; thiết bị kỹ thuật phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với chủng loại hóa chất và quy trình công nghệ, đáp ứng được công suất sản xuất, quy mô kinh doanh. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị; hệ thống xử lý chất thải;
  4. Phương tiện vận chuyển;
  5. Bảng nội quy về an toàn hóa chất; hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất tại khu vực sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì biểu trưng cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó.

1.2. Bảo quản 

HNO3 98% được bảo quản riêng trong kho hoặc kho riêng, phải được bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, đảm bảo yêu cầu an toàn, thuận lợi cho công tác ứng phó sự cố hóa chất.

2. Xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

Trước khi kinh doanh hóa chất HNO3 98% Quý khách hàng phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất khi khối lượng tồn trữ HNO3 98% lớn nhất tại một thời điểm từ 5.000kg như đã nêu trên và đề nghị Cơ quan có thẩm quyền thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

2.1. Hồ sơ đề nghị thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

Theo quy định tại khoản 4, Điều 20 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất bao gồm: 

  1. Văn bản đề nghị thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo mẫu 03a Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 32/2017/TT-BCT về hướng dẫn Luật hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất;
  2. Lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất gồm 09 bản.

2.2. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Kế hoạch

Theo quy định tại khoản 2, Điều 20 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thuộc Cục Hóa chất của Bộ Công thương.

2.3. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt Kế hoạch 

Theo quy định tại khoản 6, Điều 20 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, thủ tục thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được thực hiện như sau: 

Bước 1. Lập 01 bộ hồ sơ gửi Cục Hóa chất của Bộ Công Thương qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định thuộc Cục Hóa chất thông báo để Quý khách hàng bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định Kế hoạch. Thẩm định Kế hoạch được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định.

Bước 2. Hội đồng thẩm định thông qua hoặc không thông qua Kế hoạch

Trường hợp Kế hoạch không được thông qua, Quý khách hàng phải xây dựng lại Kế hoạch. Hồ sơ, thủ tục thẩm định thực hiện như đối với hồ sơ lần đầu;

Trường hợp Kế hoạch được thông qua hoặc thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, Quý khách hàng phải thực hiện các yêu cầu nêu tại Biên bản thẩm định và gửi văn bản giải trình, 01 bản điện tử và 07 bản in Kế hoạch đã chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định cho cơ quan thẩm định;

Sau khi nhận được báo cáo, cơ quan thẩm định xem xét, phê duyệt Kế hoạch, trường hợp không phê duyệt Kế hoạch, phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do. 

Bước 3. Trên cơ sở Kế hoạch được phê duyệt, cơ quan thẩm định chứng thực vào trang phụ bìa của bản Kế hoạch và gửi Quyết định phê duyệt kèm theo Kế hoạch cho tổ chức, cá nhân, các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện dự án.

2.4. Thời hạn thẩm định, phê duyệt 

Theo quy định tại khoản 4, Điều 20 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, thời hạn thẩm định, phê duyệt Kế hoạch là 22 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không bao gồm thời gian phải hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thẩm định và hội đồng thẩm định.

3. Xây dựng Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất

Như đã nêu ở trên, trường hợp nhập khẩu, buôn bán HNO3 98% có ngưỡng khối lượng hóa chất tồn trữ lớn nhất tại một thời điểm dưới 5.000(kg) không cần phải cần phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất mà chỉ cần xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 21 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất do Quý khách hàng tự xây dựng gồm các nội dung cơ bản quy định tại khoản 3, Điều 36 của Luật hóa chất, cụ thể:

  • Xác định, khoanh vùng và lập kế hoạch kiểm tra thường xuyên các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất cao;
  • Các biện pháp, trang thiết bị và lực lượng ứng phó tại chỗ;
  • Phương án phối hợp với các lực lượng bên ngoài để ứng phó sự cố hóa chất.

4. Khai báo hóa chất HNO3 98% khi nhập khẩu

Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 và khoản 1 Điều 27 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, trước khi thông quan nhập khẩu HNO3 98%, Quý khách hàng phải khai báo qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trình tự khai báo nhập khẩu được thực hiện như sau: 

Bước 1: Tạo tài khoản truy cập Cổng thông tin một cửa quốc gia

Bước 2: Khai báo các thông tin về HNO3 98% nhập khẩu

Bước 3: Bộ Công Thương sẽ tự động phản hồi qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tới Quý khách hàng và cơ quan hải quan, thông tin phản hồi như một bằng chứng xác nhận hoàn thành khai báo hóa chất, có giá trị pháp lý để làm thủ tục thông quan.

Các trường hợp được miễn khai báo: 

Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, Quý khách hàng được miễn khai báo nhập khẩu hóa chất HNO3 98% khi thuộc một trong các trường hợp sau: 

  1. Nhập khẩu dưới 10 kg/một lần nhập khẩu. 
  2. Là nguyên liệu sản xuất thuốc đã có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, nguyên liệu sản xuất thuốc là dược chất để sản xuất theo hồ sơ đăng ký thuốc đã có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam.
  3. Là nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đã có Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.

Trên đây là thư tư vấn của Khoa Tín về: “Các quy định của pháp luật để nhập khẩu và kinh doanh hóa chất HNO3 98%”.

Trường hợp quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.