Điều kiện, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công nghệ cao

I. Căn cứ pháp lý

1. Luật Công nghệ cao 2008;

2. Luật Đầu tư 2014;

3. Luật Đầu tư 2020;

4. Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;

5. Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao;

6. Thông tư số 15/2023/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 32/2011/TT-BKHCN và thông tư số 03/2014/TT-BKHCN;

II. Yêu cầu, điều kiện để xác định Doanh nghiệp công nghệ cao

Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Luật Công nghệ cao 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư 2014 và Khoản 3 Điều 76 Luật Đầu tư 2020) thì Doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng đủ các tiêu chí:

– Sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển quy định tại Điều 6 Luật này (được hướng dẫn chi tiết bởi Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg);

– Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

Ngoài những tiêu chí trên, theo Điều 3 Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg thì doanh nghiệp còn phải đáp ứng các tiêu chí sau:

1. Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.

2. Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp (bao gồm khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam) trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hằng năm:

a) Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%;

b) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

c) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải đạt ít nhất 2%.

3. Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động:

a) Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

b) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%;

c) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này phải đạt ít nhất 5%.

III. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao

– Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao tới Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ bằng cách nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.

– Thành phần hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao bao gồm các giấy tờ sau:

+ Đơn đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao (Biểu mẫu B1-DNCNC-TT 15/2023/TT-BKHCN);

+ Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

+ Bản thuyết minh doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao (Biểu mẫu B2-TMDNTLM-TT 15/2023/TT-BKHCN);

– Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ tổ chức tiếp nhận và thẩm định hồ sơ.

+ Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì Bộ Khoa học và Công nghệ có công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp có trách nhiệm bổ sung, sửa chữa và gửi lại hồ sơ tới Bộ Khoa học và Công nghệ.

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan.

+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và gửi cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.