Giấy phép kinh doanh vận tải

1. Căn cứ pháp luật

– Luật Giao thông đường bộ 2008;

– Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô;

– Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 quy định về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

– Theo thông tư 85/2019/TT-BTC ngày 29 tháng 11 năm 2019 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

2. Khái niệm Giấy phép kinh doanh vận tải

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Giấy phép kinh doanh vận tải là giấy chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền cấp cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, để cho các doanh nghiệp này có thể kinh doanh một cách hợp pháp, đáp ứng được điều kiện theo quy định của luật. 

3. Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

3.1. Điều kiện chung đối với kinh doanh vận tải bằng xe ô tô 

Căn cứ theo Điều 67 Luật giao thông đường bộ 2008 cần đảm bảo những điều kiện: 

– Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

– Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;

– Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

– Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải:

Nếu là bằng đại học thì ngành nào cũng đăng ký được.

Riêng bằng Trung cấp thì yêu cầu phải là ngành vận tải hoặc kỹ thuật.

– Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

– Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;

– Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai.

3.2. Các điều kiện bổ sung kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô 

Căn cứ tại Điều 13, 14 Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có một số điều kiện chung như sau:

– Xe phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật;

– Xe phải đảm bảo niên hạn hoạt động quy định cụ thể tại Điều 13 nghị định 10/2020/NĐ-CP;

– Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;

– Từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:

+ Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;

+ Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.

4. Trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải

4.1. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã

– Giấy đề nghị cấp Giấy phép (theo mẫu);

– Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Bản sao công chứng văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải;

– Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).

4.2. Đối với hộ kinh doanh

– Giấy đề nghị cấp Giấy phép (theo mẫu);

– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

4.3. Trình tự thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép (01 bộ) được gửi đến Sở Giao thông vận tải;

– Thời gian giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp cần phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan cấp phép thông báo cho đơn vị trong vòng 03 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ;

– Trường hợp có thay đổi về điều kiện kinh doanh liên quan đến nội dung trong Giấy phép, đơn vị kinh doanh phải nộp hồ sơ về sự thay đổi đó để được cấp lại Giấy phép;

– Sau khi có giấy phép đơn vị xin cấp phù hiệu cho các xe kinh doanh.

5. Lệ phí giải quyết

Do UBND tỉnh quyết định, thường là 200.000 đồng (Theo thông tư 85/2019/TT-BTC).

6. Cơ quan thực hiện: Sở Giao thông vận tải nơi Doanh nghiệp có trụ sở chính.

7. Một số lưu ý

7.1. Mức phạt khi xe hợp đồng không có phù hiệu xe

– Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chở khách không có hoặc không gắn phù hiệu biển hiệu theo quy định hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu biển hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

– Như vậy,  xe hợp đồng bắt buộc phải được gắn  phù hiệu xe hợp đồng nếu không gắn phù hiệu sẽ bị phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.

(Theo quy định tại  điểm e khoản 6 điều 23 nghị định 100/2019/NĐ-CP).

7.2. Mức phạt đối với việc không có giấy phép kinh doanh vận tải

Dựa vào quy định tại Khoản 6, Điều 28, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì đối với hành vi kinh doanh vận tại mà không có giấy phép thì khi phát hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Trên đây là tư vấn của Luật Khoa Tín về Trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải.”

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0983 533 005 để được tư vấn miễn phí. 

Trân trọng./.