Hành vi lấn chiếm, cản trở ngõ đi chung bị xử phạt thế nào?

Căn cứ pháp luật:

– Bộ luật dân sự 2015

– Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai

1. Ngõ đi chung, lối đi chung, lối đi qua là gì?

Hiện chưa có định nghĩa về lối đi chung hay ngõ đi chung, nhưng thực tế có thể hiểu lối đi chung hay ngõ đi chung là:

– Đất công được sử dụng làm đường đi, ngõ, hẻm,…

– Đất thuộc quyền sử dụng chung của nhiều người được thống nhất sử dụng làm lối đi, ngõ

Định nghĩa về lối đi qua đã được thể hiện tại Khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Như vậy, lối đi qua là đất tuy thuộc quyền sử dụng của người khác nhưng khi người có đất bị vây bọc có yêu cầu thì phải dành cho họ một diện tích hợp lý để làm lối đi.

2. Hành vi lấn chiếm, cản trở ngõ đi chung, lối đi chung hay lối đi qua xử phạt như thế nào?

Việc xử phạt hành vi lấn chiếm lối đi chung, ngõ đi chung hay lối đi qua được quy định tại khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 16 Nghị Định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể:

Điều 16. Gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

[…]

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Như vậy, việc gây cản trở, lấn chiếm bằng những vật dụng dễ di dời như vật liệu xây dựng, đất, cát,… sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Trường hợp đào bới, xây dựng những vật cố định như tưởng, hàng rào sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Ngoài ra khi thực hiện các hành vi lấn chiếm trên còn bị buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.

3. Khi phát hiện hành vi lấn chiếm, cản trở lối đi chung cần báo cho ai?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì khi phát hiện hành vi lấn chiếm, cản trở lối đi chung, có thể báo với UBND cấp xã để tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm.

Điều 38. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.”