Khởi kiện vụ án hành chính
Trong quá trình hội nhập quốc tế diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội ở nước ta đòi hỏi pháp luật TTHC phải có những sự hoàn thiện để phù hợp hơn với các lĩnh vực của đời sống. Cụ thể, luật TTHC với rất nhiều điểm mới, tiến bộ so với pháp lệnh TTGQCVAHC đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của pháp luật về TTHC trước đây, trong đó có các quy định về điều kiện khởi kiện VAHC. Cá nhân, tổ chức khởi kiện phải đáp ứng các điều kiện khởi kiện do pháp luật TTHC quy định. Điều kiện khởi kiện là yêu cầu mang tính bắt buộc đối với các đương sự khi thực hiện quyền khởi kiện. Việc khởi kiện theo đúng yêu cầu đảm bảo cho các đương sự thuận lợi trong việc thực hiện quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
I. Một số vấn đề lý luận về khởi kiện vụ án hành chính
1. Khái niệm
Khởi kiện vụ án hành chính là việc cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính yêu cầu tòa án giải quyết vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
2. Đặc điểm
Thứ nhất, mục đích của khởi kiện vụ án hành chính là yêu cầu toà án có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án hành chính.
Thứ hai, đối tượng của khởi kiện vụ án hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.
II. Nội dung quy định pháp luật về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính
Việc khởi kiện vụ án hành chính được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:
1. Về chủ thể khởi kiện
Người khởi kiện hoặc người mà họ đại diện có quyền lợi ích hợp pháp bị xâm phạm bởi quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC), quyết định kỷ luật buộc thôi việc (QĐKLBTV), quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh hoặc việc lập danh sách cử tri.
Trước hết chủ thể khởi kiện phải trực tiếp có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính. Chủ thể khởi kiện gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đối với cá nhân phải có đủ năng lực pháp luật TTHC và năng lực hành vi TTHC. Nếu thuộc trường hợp bị hạn chế về năng lực hành vi TTHC thì phải thực hiện khởi kiện thông qua người đại diện theo pháp luật. Đối với cơ quan phải là những cơ quan trong bộ máy Nhà nước được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, có tư cách pháp nhân. Việc khởi kiện của cơ quan Nhà nước được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền. Đối với tổ chức thì bao gồm tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân. Các tổ chức này phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân hoặc có đủ dấu hiệu của một tổ chức (có cơ cấu tổ chức, trụ sở, con dấu…). Việc khởi kiện của tổ chức cũng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền.
Tóm lại, chủ thể khởi kiện phải là người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức phải chứng minh được rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì mới có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ.
Ví dụ: Ủy ban nhân dân quận B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn A với diện tích 150 m2. Bà Nguyễn Thị C nhà ở liền kề với đất của ông A cho rằng Ủy ban nhân dân quận B đã cấp một phần đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bà cho ông B nên bà C đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông A. Trong trường hợp này bà C phải chứng minh được việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông A đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Về đối tượng khởi kiện
Đối tượng khởi kiện là các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và vả quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tuy nhiên với quyết định hành chính thì đó phải là quyết định cá biệt, đồng thời là quyết định hành chính lần đầu. Quyết định nào là quyết định hành chính lần đầu phải có cơ sở pháp lý do pháp luật TTHC quy định. quyết định hành chính cá biệt được ban hành dưới hình thức là văn bản với tên gọi là quyết định như quyết định xử phạt, quyết định tháo dỡ công trình xây dựng trái phép… quyết định hành chính còn được ban hành thể hiện dưới dạng thông báo, kết luận, công văn theo quy định cũng thuộc đối tượng khởi kiện. Ngoài ra, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh cũng là đối tượng khởi kiện.
Hành vi hành chính (HVHC) thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính phải là hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền, thời hạn thực hiện đối với nhiệm vụ công vụ để xác định hành vi thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó là của cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan, tổ chức, hay là của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan, tổ chức đó. Nếu theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác thì hành vi thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong thời hạn thì hành vi đó là HVHC của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác mà không phải là HVHC của người đã thực hiện HVHC đó theo sự phân công hoặc uỷ quyền, uỷ nhiệm. Nếu theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác thì việc thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể trong thời hạn đó là HVHC của người có thẩm quyền, không phụ thuộc vào việc họ trực tiếp thực hiện hay phân công, uỷ quyền, uỷ nhiệm cho người khác thực hiện.
3. Điều kiện về thời hiệu
Việc khởi kiện vụ án hành chính được thực hiện trong trường hợp và thời hiệu do pháp luật quy định.
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện, nếu thời hiệu đó kết thúc thì chủ thể mất quyền khởi kiện. Việc khởi kiện phải được thực hiện trong khoảng thời gian mà pháp luật đã quy định, trừ trường hợp do trở ngại khách quan thì thời gian có trở ngại khách quan không được tính vào thời hiệu khởi kiện. Hết khoảng thời gian quy định mà người đó không thực hiện việc khởi kiện thì được coi là từ bỏ quyền của mình. Thời hiệu khởi kiện đối với QĐHC, HVHC, QĐKL BTV là 01 năm kể từ ngày nhận được QĐHC, HVHC, QĐKL BTV đó. Với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì thời hiệu khởi kiện là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đó. Khởi kiện danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì thời hiệu khởi kiện là từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
4. Điều kiện về phương thức khởi kiện
Phương thức khởi kiện có thể hiểu là việc các chủ thể có quyền lựa chọn các cách thức khác nhau để khởi kiện.
Nếu đối tượng khởi kiện là QĐHC, HVHC, quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì theo khoản 1 Điều 115, thì cá nhân, tổ chức được lựa chọn một trong 3 cách sau:
- Khởi kiện ngay khi nhận được QĐHC, hoặc bị HVHC xâm hại.
- Khởi kiện khi nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 mà không đồng ý hoặc hết thời gian giải quyết khiếu nại lần 1 mà không được giải quyết.
- Khởi kiện khi nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 mà không đồng ý hoặc hết thời gian giải quyết khiếu nại lần 2 mà không được giải quyết.
Nếu đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì theo khoản 2 Điều 115 thì cá nhân, tổ chức chỉ có quyền khởi kiện quyết định này mà không có quyền khiếu nại.
Nếu đối tượng khởi kiện là danh sách cử tri, theo khoản 3 Điều 115 quy định “Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó”.
Như vậy, quy định của pháp luật đã tạo tính “mở” hơn về các phương thức khởi kiện vụ án hành chính cho người dân được lựa chọn nhiều phương thức khởi kiện hơn, nhưng chúng ta có thể thấy nếu đối tượng khởi kiện là danh sách cử tri mặc dù pháp luật tạo điều kiện để bảo vệ quyền lợi cho người dân nhưng trên thực tế điều kiện này rất khó và dường như thắt chặt quyền khởi kiện của người dân về danh sách cử tri.
5. Yêu cầu về gửi đơn kiện đến tòa thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án
Vụ việc được khởi kiện thuộc thẩm quyền xét xử vụ án hành chính của toà án. Người khởi kiện chỉ có quyền khởi kiện trong phạm vi các loại việc mà pháp luật đã quy định là loại việc thuộc thẩm quyền xét xử VAHC của tòa án. Đây là điều kiện đương nhiên người khởi kiện phải tuân thủ, bởi vì nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì tòa án sẽ không thụ lý đơn khởi kiện.
Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về “Khởi kiện vụ án hành chính“.
Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.
Trân trọng./.
Tin Tức mới nhất