Kỹ năng giải quyết vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai (Kỳ 2)

1.2.2. Hành vi hành chính bị kiện

1.2.2.1 Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhận được đơn khiếu nại đối với quyết định hành chính nhưng không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại thì hành vi hành chính này của người có thẩm quyền quyết định giải quyết khiếu nại có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không? Trường hợp người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có giải quyết khiếu nại nhưng ban hành văn bản dưới hình thức thông báo, kết luận, công văn,… thì văn bản đó có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không?Nội dung này được hướng dẫn tại  mục 7 phần I Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016

Theo quy định tại Điều 5 Luật Khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm phải giải quyết khiếu nại đúng thời hạn pháp luật quy định; trường hợp hết thời hạn giải quyết mà không giải quyết là không thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ. Hành vi không giải quyết khiếu nại theo quy định  của pháp luật gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của công dân; bởi vậy, theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì hành vi không giải quyết khiếu nại nêu trên là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Trường hợp một người khởi kiện quyết định hành chính tại Tòa án, đồng thời đề nghị Tòa án xem xét hành vi không giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính đó của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án cần giải thích cho họ biết họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án hoặc khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; việc lựa chọn phải được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; nếu họ lựa chọn khởi kiện tại Tòa án thì cần xác định đối với khởi kiện trong vụ án là quyết định hành chính và khi xét xử, thẩm quyền của Hội đồng xét xử được thực hiện theo quy định tại Điều 193 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Trường hợp người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đã giải quyết khiếu nại nhưng không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại mà dưới hình thức khác (như thông báo, kết luận, công văn v.v…) và văn bản đó đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì văn bản đó là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”.

1.2.2.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai, nên các bên tranh chấp không thực hiện được việc khởi kiện tại Tòa án. Vậy, hành vi không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính không?

Nội dung này được dẫn dẫn tại mục 11 phần I Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 như sau:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 202 của Luật Đất đai năm 2013 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính thì hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Hành vi hành chính bị kiện là hành vi nêu trên mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo các quy định nêu trên thì hành vi không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”.

1.2.3. Xác định người bị kiện

– Để xác định đúng người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ việc đó. Trường hợp có nhiều luật cùng quy định thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính về một lĩnh vực quản lý thì việc xác định thẩm quyền của người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào luật chuyên ngành.

Ví dụ 1: Có hai quyết định hành chính bị khởi kiện và hai quyết định hành chính này đều do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký (một quyết định về xử phạt vi phạm hành chính và một quyết định thu hồi đất của hộ gia đình). Căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết các vụ việc này thì người bị kiện trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (Điều 38 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020), còn người bị kiện trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định thu hồi đất của hộ gia đình là Ủy ban nhân dân cấp huyện (Điều 66 của Luật Đất đai năm 2013).

– Người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác là người có chức vụ, chức danh cụ thể và theo quy định của pháp luật thì người có chức vụ, chức danh đó mới có thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính. Trường hợp quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính do một người cụ thể ký hoặc thực hiện, nhưng người đó ký quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính với danh nghĩa một chức vụ, chức danh có thẩm quyền thì quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là của người đảm nhiệm chức vụ, chức danh đó.

Ví dụ 2: Quyết định hành chính do ông Nguyễn Văn A ký với danh nghĩa Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện B thì gọi là quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện B mà không gọi là quyết định hành chính của ông Nguyễn Văn A.

Luật sư: Trần Đình Khánh

Nguyên vụ trưởng vụ 9, 10 VKSNDTC