Ly hôn có bắt buộc hoà giải không

1. Hòa giải là gì?

Hoà giải là phương án giải quyết những xung đột, tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hoà giải để tiến hành thuyết phục, hỗ trợ nhằm mang lại kết quả tốt nhất. 

2. Nguyên tắc khi tiến hành hòa giải

Khi giải quyết ly hôn, việc giúp cho hai vợ chồng có thể hàn gắn mối quan hệ đã có rạn nứt giữa hai vợ chồng và bảo đảm được quyền và lợi ích của họ thì hòa giải là phương án giải quyết tốt nhất và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Theo đó, khi tiến hành hòa giải ly hôn cần dựa vào những nguyên tắc được quy định tại Khoản 2 Điều 205 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 như sau: 

Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của vợ chồng;

Không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc vợ/ chồng phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;

Nội dung thỏa thuận giữa vợ, chồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

3. Ly hôn có bắt buộc hòa giải không?

Hiện nay, theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì hòa giải ly hôn bao gồm hòa giải tại cơ sở và hòa giải tại Tòa án.

Điều 52. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở

Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Điều 54. Hòa giải tại Tòa án

Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hòa giải ở cơ sở thì: “Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở”. 

Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”.

Theo quy định về hòa giải ở cơ sở thì khi ly hôn không bắt buộc phải hòa giải ở cơ sở mà chỉ khuyến khích các bên hòa giải để có thể giải quyết được những xung đột, mâu thuẫn giữa vợ chồng với nhau.

Tuy nhiên, sau khi nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án thì bắt buộc phải tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

3.1. Hòa giải tại Tòa án trong trường hợp đơn phương ly hôn

Theo quy định tại Điều 205 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì đối với trường hợp đơn phương ly hôn, việc hòa giải được tiến hành trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án. Theo đó, Tòa án tiến hành hòa giải để vợ, chồng thoả thuận với nhau về việc giải quyết các vấn đề còn mâu thuẫn, tranh chấp.

Điều 205. Nguyên tắc tiến hành hòa giải

1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

3.2. Hòa giải tại Tòa án trong trường hợp thuận tình ly hôn

Theo quy định tại Điều 397 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì đối với trường hợp thuận tình ly hôn, việc hòa giải được tiến hành trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu thuận tình ly hôn. Theo đó, thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, giải thích về quyền, nghĩa vụ của vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Điều 397. Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn

1. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.

2. Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Tuy nhiên, mặc dù hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc nhưng có 04 trường hợp ly hôn sẽ không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015:

Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được

1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.

3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án năm 2020 thì: “Các bên tham gia hòa giải tại Tòa án có quyền đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải hoặc chấm dứt hòa giải”. 

Trên đây là tư vấn của Luật Khoa Tín về “Ly hôn có bắt buộc hòa giải không?”.

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.