Một số vấn đề pháp lý liên quan đến giao kết hợp đồng điện tử

Hiện nay, các quy phạm điều chỉnh về hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử được quy định trong Luật giao dịch điện tử năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. 

1. Khái niệm hợp đồng điện tử

Điều 33 Luật giao dịch điện tử năm 2005 quy định: Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Trong đó, thông điệp dữ liệu được hiểu là những thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác. Hợp đồng điện tử nhìn chung vẫn mang bản chất của hợp đồng, là sự thỏa thuận giữa các bên với mục đích xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. 

2. Chủ thể hợp đồng của hợp đồng điện tử

Đối với hợp đồng truyền thống, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng sẽ là bên đề nghị và bên chấp nhận đề nghị; còn đối với hợp đồng điện tử, ngoài hai chủ thể cơ bản này thì còn có sự xuất hiện của chủ thể thứ ba giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo quá trình giao kết hợp đồng thông qua phương tiện điện tử. Chủ thể này là các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Vì việc giao kết hợp đồng được thực hiện qua mạng Internet nên chủ thể cung cấp dịch vụ mạng là chủ thể bắt buộc phải tham gia (theo cách gián tiếp). Còn đối với chủ thể cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử thì có thể có hoặc không (nếu các bên tham gia giao dịch điện tử thỏa thuận sử dụng chữ ký điện tử để ký trong hợp đồng thì lúc này chủ thể cung cấp dịch vụ phải tham gia với vai trò pháp lý, trường hợp các bên không lựa chọn thì chủ thể này không nhất thiết phải tham gia vào quá trình giao kết hợp đồng điện tử).

3. Hình thức của hợp đồng điện tử 

Đối với hợp đồng truyền thống, hình thức giao dịch có thể là bằng văn bản, bằng lời nói, bằng hành động hoặc bằng các hình thức khác do các bên thỏa thuận, thì hợp đồng điện tử có phương thức giao dịch khá đặc biệt. Theo đó, hợp đồng điện tử được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Ở đây, các bên sẽ thực hiện giao dịch bằng văn bản điện tử thông qua môi trường điện tử để đi đến ký kết hợp đồng. Có thể thấy rằng, vì tính chất đặc biệt khi thực hiện giao kết hợp đồng điện tử nên hình thức thực hiện cũng sẽ khác so với hợp đồng truyền thống. Điều này đã tạo nên sự tiện lợi và nhanh chóng của hợp đồng điện tử.

4. Quy trình giao kết

Quy trình giao kết hợp đồng điện tử được thể hiện thông qua quá trình gửi và nhận các thông điệp dữ liệu khác nhau về ý định của các bên. Nói cách khác, giao kết hợp đồng điện tử được hiểu là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch và hợp đồng sẽ được thiết lập khi một bên đưa ra lời đề nghị và một bên chấp nhận lời đề nghị.

Điều 36 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về giao kết hợp đồng điện tử như sau:

– Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng.

– Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.

Về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử thì Điều 35 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định như sau:

– Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.

– Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử 2005 và pháp luật về hợp đồng.

– Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.

5. Về cách thức xác định thời điểm, địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu

Về phía bên gửi, thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu sẽ là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo; địa điểm gửi sẽ là trụ sở của người khởi tạo nếu đó là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu họ là cá nhân. Trường hợp người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi sẽ là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch. Đối với bên nhận, thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định nếu người nhận đã chỉ định trước đó; hoặc là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận nếu không rơi vào trường hợp chỉ định. Địa điểm nhận là trụ sở của người nhận nếu là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên nếu người nhận là cá nhân. Trong trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận là nơi có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

6. Về chữ ký điện tử trong hợp đồng điện tử

Chữ ký điện tử sẽ được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Chữ ký điện tử là không bắt buộc đối với các bên nhưng một khi các bên đã thỏa thuận về sự hiện diện của chữ ký này thì phải tuân thủ các quy định của Luật giao dịch điện tử năm 2005. Có nghĩa là, các bên tham gia giao dịch điện tử có quyền thỏa thuận việc có hay không việc sử dụng chữ ký điện tử để ký thông điệp dữ liệu trong quá trình giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác và giá trị pháp lý của chữ ký điện tử chỉ là bắt buộc trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký.