Mua lại doanh nghiệp: Lợi hay hại?

Khi bắt đầu thực hiện việc kinh doanh, rất nhiều thương nhân lựa chọn mua lại một doanh nghiệp thay vì thành lập doanh nghiệp mới. Vậy mua lại doanh nghiệp có ưu và nhược điểm gì? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây!

1. Khái niệm

Theo Khoản 4 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018 mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.

2. Điều kiện mua lại doanh nghiệp

Mua lại doanh nghiệp là một trong các hoạt động tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh, do đó cần tuân thủ các thủ tục theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Các doanh nghiệp mua lại phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi tiến hành mua lại nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế theo Điều 33 Luật Cạnh tranh 2018. Không thực hiện mua lại khi hành vi mua lại thuộc các trường hợp cấm tập trung kinh tế theo Điều 30 Luật Cạnh tranh 2018

3. Lợi ích của việc mua lại doanh nghiệp

3.1. Mở rộng thị phần của doanh nghiệp

Đối với hai doanh nghiệp sau khi sáp nhập hoặc mua lại mà cùng hoạt động trong một ngành, nguồn lực kinh tế của cả hai sẽ giúp thị phần của doanh nghiệp lớn hơn trên thị trường.

3.2. Đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn

Khi mua lại một doanh nghiệp, doanh nghiệp mới sẽ có sẵn một mạng lưới khách hàng quen thuộc cũng như thương hiệu đã đạt được độ nhận diện nhất định trên thị trường. Do đó, lúc này, doanh nghiệp có thể tập trung phát triển, mở rộng mạng lưới khách hàng để tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng mới, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh hơn và củng cố lợi thế cạnh tranh. 

3.3. Giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng nhân lực

Sau khi thực hiện hoạt động M&A doanh nghiệp mới sẽ cắt giảm được đáng kể chi phí phải trả cho những vị trí không cần thiết để từ đó tập trung bồi dưỡng, phát triển những tinh hoa nhân sự. Bên cạnh đó,doanh nghiệp cũng có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian gia nhập ngành bởi có thể tận dụng những lợi thế sẵn có của doanh nghiệp đã tồn tại trên thị trường.

3.4. Tận dụng công nghệ được chuyển giao

Doanh nghiệp mới có thể tận dụng được những lợi thế đã có, bỏ qua những tiêu cực, khuyết điểm về công nghệ, cơ sở vật chất để có thể vận hành doanh nghiệp một cách tốt nhất.

3.5. Dễ dàng huy động vốn

Mua doanh nghiệp đã thành lập có tài chính tốt, nhà đầu tư có thể dễ dàng huy động vốn từ các nguồn khác nhau như: huy động vốn từ cá nhân, tổ chức khác. Ngoài ra việc vay vốn ngân hàng cũng có thể dễ dàng hơn nếu doanh nghiệp đó có sẵn các tài sản cố định, dự án đang thực hiện.

4. Nhược điểm mua lại doanh nghiệp

Bên cạnh những lợi ích sẵn có, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với một số rủi ro.

4.1. Mất rất nhiều chi phí ban đầu

Khi mua lại một doanh nghiệp, đặc biệt là một doanh nghiệp có hình ảnh tốt, có sẵn lượng lớn khách hàng, tình hình tài chính tố, mức phí để mua lại vô cùng cao. Do đó, để tiến hành việc mua lại này, doanh nghiệp cần bỏ ra một khoản ngân sách cực lớn.

4.2. Khó khăn trong việc quản lý

Mua lại doanh nghiệp đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mới sẽ được kế thừa văn hóa, đặc điểm và lượng khách hàng đang có của doanh nghiệp cũ. Việc doanh nghiệp mới kế thừa có thể dễ xảy ra mâu thuẫn nội bộ, quy trình làm việc không phù hợp với cách quản lý, khác biệt về văn hóa, từ đó gây ra sự khó khăn trong việc điều hành và quản lý doanh nghiệp.

4.3. Đối mặt với nguy cơ đánh mất khách hàng và thị trường

Bên cạnh việc có sẵn lượng khách hàng, doanh nghiệp cũng dễ phải đối mặt với việc nhận được phản hồi tiêu cực và đánh mất khách hàng sẵn có. Xu hướng này có thể xảy ra là bởi mục đích chính của hoạt động sáp nhập doanh nghiệp là nâng cao giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường, do đó hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi mua bán không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, dẫn đến việc khách hàng rời đi, không nhận được sự ủng hộ của các phân khúc thị trường.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về “Mua lại doanh nghiệp: Lợi hay hại?“.

Trường hợp quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.