Quy định của pháp luật về việc mang thai hộ

1. Mang thai hộ là gì?

Theo quy định tại Khoản 22, 23 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì có hai phương pháp mang thai hộ: mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Điều 3: Giải thích từ ngữ

22. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

23. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Như vậy, hiện nay pháp luật chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và không cho phép mang thai hộ vì mục đích thương mại.

2. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

Điều 95. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

b) Vợ chồng đang không có con chung;

c) Vợ chồng đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

b) Người đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này;

+ Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 với chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.

3. Mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cấm hành vi sau đây: mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Theo quy định tại Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Người mang thai hộ vì mục đích thương mại còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Như vậy, việc mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trên đây là tư vấn của Luật Khoa Tín về “Quy định của pháp luật về việc mang thai hộ”.

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.