So sánh tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản

Cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản là hai tội danh trong nhóm tội xâm phạm về sở hữu, đây là hai tội danh rất dễ nhầm lẫn trong quá trình áp dụng. Tuy nhiên, hai tội danh này có những điểm khác nhau cơ bản trong cấu thành tội phạm.

Vậy hai tội này có điểm gì khác nhau để giúp chúng ta phân biệt và định tội danh được chính xác khi áp dụng pháp luật?

1. Căn cứ pháp lý

– Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 BLHS 2015

– Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 BLHS 2015

2. So sánh

2.1. Sự giống nhau

– Cả hai đều được thực hiện do hình thức lỗi cố ý trực tiếp, mục đích của tội phạm đều nhằm chiếm đoạt tài sản.

– Đều xâm phạm đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức

– Sự giống nhau về cấu thành tội phạm

  • Mặt khách thể

+ Xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác;

+ Xâm phạm đến quyền nhân thân do có thực hiện hành vi tác động đến người đang quản lý tài sản.

  • Mặt chủ thể

Đều là người có năng lực trách nhiệm hình sự (từ 14 tuổi trở lên). Tuy nhiên đối với cưỡng đoạt tài sản thì “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi” chỉ  phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, nếu tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng thì phải từ đủ 16 tuổi mới chịu trách nhiệm hình sự.

  • Lỗi

Cố ý trực tiếp với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản (mục đích bắt buộc).

  • Loại cấu thành tội phạm

Đều là cấu thành hình thức tức là thời điểm hoàn thành tội phạm là thời điểm thực hiện hành vi không xét đến việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa.

2. Sự khác nhau

TIÊU CHÍ

TỘI CƯỚP TÀI SẢN

(Điều 168 BLHS năm 2015)

TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

(Điều 170 BLHS năm 2015)

Hành vi khách quan

Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người nào khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực thường là đấm, đá, trói… hoặc kèm theo sử dụng các phương tiện, công cụ như dao, súng…;

Đe dọa dùng vũ lực trong tội cướp tài sản còn tính đến yếu tố “ngay tức khắc”, tức là, nó có tính chất mãnh liệt hơn làm cho người bị đe dọa thấy rằng khi bị đe dọa nếu họ không làm theo yêu cầu của người phạm tội thì người phạm tội sẽ dùng vũ lực ngay với mình và họ sẽ không hoặc khó có điều kiện tránh khỏi, việc này.

Đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người nào khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực thường là đấm, đá, trói… hoặc kèm theo sử dụng các phương tiện, công cụ như dao, súng…;

Đe dọa dùng vũ lực trong tội cưỡng đoạt tài sản thì có tính chất nhẹ hơn, người bị đe dọa cảm nhận được giữa hành vi đe dọa và việc dùng vũ lực có khoảng cách về thời gian.

Yếu tố “hành vi khác/thủ đoạn khác” trong hành vi khách quan

Hành vi khác trong tội cướp tài sản là hành vi người phạm tội không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, xong bằng mọi cách thức, thủ đoạn, người phạm tội đã đưa nạn nhân vào một tình trạng không còn khả năng quản lý được tài sản như: dùng các loại thuốc ngủ đầu độc nạn nhân, dùng dây chằng qua đường làm nạn nhân vấp ngã để cướp tài sản….

Những thủ đoạn này đều làm người bị tấn công không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn khác trong tội cưỡng đoạt tài sản là việc uy hiếp về tinh thần người chủ tài sản, đe dọa gây thiệt hại về mặt danh dự, uy tín,  đe dọa hủy hoại tài sản của họ để bắt họ đưa tài sản cho mình.

Tức là, trong trường hợp này người bị tấn công chỉ bị khống chế về tinh thần do đó vẫn còn khả năng chống cự, đây chính là điểm khác với hành vi ở tội cướp tài sản.

Tình trạng ý chí của nạn nhân

Nạn nhân không có sự lựa chọn, bị tê liệt ý chí và tê liệt sự phản kháng, họ buộc phải thoả mãn yêu cầu của người phạm tội nhằm tránh bị người phạm tội tấn công “tức khắc”.

Nạn nhân chưa đến mức bị tê liệt ý chí chống cự của người bị đe dọa mà hành vi cưỡng chế chỉ có thể khống chế ý chí của họ.

Người bị đe dọa còn có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định việc có trao tài sản cho người đe dọa hay không.

Hình phạt

Hình phạt nặng hơn

Tội cướp tài sản có khung hình phạt cơ bản là 3 -10 năm tù và khung tăng nặng cao nhất là tù chung thân.

Lưu ý: Chuẩn bị phạm tội thì hình phạt là: 1 – 5 năm.

Tội cưỡng đoạt tài sản khung hình phạt cơ bản là 1 – 5 năm tù và khung hình phạt tăng nặng cao nhất là 20 năm tù.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về “So sánh tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản“.

Trường hợp quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.