Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

1. Ly hôn có yếu tố nước ngoài là gì?

Căn cứ theo Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau: 

Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài

1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Theo đó, ly hôn có yếu tố nước ngoài là việc ly hôn có đương sự là người nước ngoài hoặc đương sự ở nước ngoài. Cụ thể: giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; ly hôn giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam và ly hôn giữa công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn.

2. Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể như sau:

Điều 123. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

2. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:

Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm với các trường hợp sau:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.

Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc Tòa án nhân nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn.

Ngoài ra, khi giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thì nguyên đơn cũng có quyền lựa chọn Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn; Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi nguyên đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam.

Trong trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, nếu việc ly hôn diễn ra với công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện.

Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

Trên đây là tư vấn của Luật Khoa Tín về “Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài”.

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983 533 005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.