Thành lập Công ty Cổ phần môi giới bảo hiểm

I. Điều kiện chung để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của Doanh nghiệp bảo hiểm và Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

1. Điều kiện về chủ thể (Điều 6 Nghị định 73/2016/NĐ-CP được sửa bổi, bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định 151/2018/NĐ-CP)

Tổ chức, cá nhân góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn phải góp vốn bằng tiền và không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.

– Tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

– Tổ chức tham gia góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định phải bảo đảm vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn dự kiến góp.

– Trường hợp tổ chức tham gia góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán thì các tổ chức này phải bảo đảm duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn theo quy định pháp luật chuyên ngành.

2. Điều kiện về vốn pháp định (Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP)

2.1. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam.

– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam.

– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam.

2.2. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ

– Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam.

– Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam.

– Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.

2.3. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

– Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm: 4 tỷ đồng Việt Nam.

– Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm: 8 tỷ đồng Việt Nam.

II. Điều kiện, hồ sơ thành lập Doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm. (Khoản 5, Điều 3, Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-VPQH ngày 25/6/2019 của Văn phòng Quốc hội về Luật Kinh doanh bảo hiểm).

1. Thành lập Công ty cổ phần bảo hiểm

1.1. Điều kiện thành lập (Khoản 2 Điều 7 Nghị định 73/2016NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 151/2018/NĐ-CP)

– Phải đáp ứng các điều kiện chung đã được đề cập đến ở Mục I.

– Có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức đáp ứng điều kiện có tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng Việt Nam vào năm liền hề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và 02 cổ đông này phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 20% số cổ phần của công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến được thành lập”.

1.2. Hồ sơ thành lập Công ty cổ phần (Điều 12 Nghị định 73/2016/NĐ-CP)

– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.

– Dự thảo Điều lệ công ty theo quy định tại Điều 25 Luật doanh nghiệp.

– Phương án hoạt động 05 năm đầu phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp Giấy phép, trong đó nêu rõ thị trường mục tiêu, kênh phân phối, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

– Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp, lý lịch, bản sao các văn bằng, chứng chỉ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, chuyên gia tính toán hoặc chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán, kế toán trưởng của doanh nghiệp bảo hiểm.

– Danh sách cổ đông sáng lập và các giấy tờ kèm theo sau đây:

Đối với cá nhân:

  • Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp theo mẫu do pháp luật quy định;
  • Xác nhận của ngân hàng về số dư tiền đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi gửi tại ngân hàng.

Đối với tổ chức:

  • Bản sao quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác; đối với tổ chức nước ngoài thì bản sao phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  •   Điều lệ công ty;
  • Văn bản của cấp có thẩm quyền của tổ chức góp vốn quyết định việc tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm;
  • Văn bản ủy quyền, bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức góp vốn;
  • Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

– Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm dự kiến tiến hành triển khai.

– Xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng.

– Biên bản họp của các cổ đông về việc:

  • Nhất trí góp vốn thành lập công ty cổ phần bảo hiểm kèm theo danh sách các cổ đông sáng lập;
  • Thông qua dự thảo Điều lệ công ty.

– Biên bản về việc ủy quyền cho một cá nhân, tổ chức thay mặt cho các cổ đông chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục đề nghị cấp Giấy phép.

– Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức Việt Nam góp vốn đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được phép góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định pháp luật chuyên ngành.

– Trường hợp tổ chức nước ngoài là doanh nghiệp bảo hiểm thì phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi doanh nghiệp bảo hiểm đóng trụ sở chính xác nhận:

  • Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam. Trường hợp quy định của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính không yêu cầu phải có văn bản chấp thuận thì phải có bằng chứng xác nhận việc này;
  • Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành hoạt động tại Việt Nam;
  • Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang trong tình trạng tài chính lành mạnh và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý tại nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;
  • Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nước nơi tổ chức nước ngoài đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép

– Văn bản cam kết của các cổ đông đối với việc đáp ứng điều kiện về “Có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức đáp ứng điều kiện “có tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng Việt Nam vào năm liền hề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và 02 cổ đông này phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 20% số cổ phần của công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến được thành lậpđể được cấp Giấy phép.

III. Thành lập Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

1. Khái niệm

Hoạt động môi giới bảo hiểmviệc cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về sản phẩm bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và các công việc liên quan đến việc đàm phán, thu xếp và thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm. (Khoản 4, Điều 3, Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-VPQH ngày 25/6/2019 của Văn phòng Quốc hội về Luật Kinh doanh bảo hiểm).

2. Điều kiện thành lập Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (Điều 9 Nghị định 73/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm e Khoản 1 Điều 11 Nghị định 151/2018/NĐ-CP)

– Tổ chức Việt Nam, cá nhân góp vốn thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện chung đã được đề cập đến ở phần I.

– Tổ chức nước ngoài góp vốn thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Mục I và các điều kiện sau:

  • Là doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh môi giới bảo hiểm tại Việt Nam;
  • Có ít nhất 7 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm.
  • Không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về hoạt động môi giới bảo hiểm của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

3. Hồ sơ thành lập Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (Điều 14 Nghị định 73/2016/NĐ-CP)

– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.

– Dự thảo Điều lệ công ty theo quy định tại Điều 25 Luật doanh nghiệp.

– Phương án hoạt động 05 năm đầu phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp Giấy phép, trong đó nêu rõ hoạt động đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh của việc thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

– Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp, lý lịch, bản sao các văn bằng, chứng chỉ của Chủ tịch Công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, kế toán trưởng của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

– Danh sách cổ đông (hoặc thành viên) sáng lập hoặc góp từ 10% vốn điều lệ trở lên và các giấy tờ kèm theo sau đây:

Đối với cá nhân:

  • Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp theo mẫu do pháp luật quy định;
  • Xác nhận của ngân hàng về số dư tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi gửi tại ngân hàng.

Đối với tổ chức:

  • Bản sao quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác; đối với tổ chức góp vốn nước ngoài thì bản sao của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải có chứng thực của cơ quan nơi tổ chức đó đã đăng ký không quá 03 tháng trước ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
  • Điều lệ công ty;
  • Văn bản của cấp có thẩm quyền của tổ chức góp vốn quyết định việc tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Việt Nam;
  • Văn bản ủy quyền, bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức góp vốn;
  • Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
  • Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức Việt Nam góp vốn đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được phép góp vốn thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm theo quy định pháp luật chuyên ngành.

– Xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng.

– Hợp đồng hợp tác theo quy định tại Điều 19 Luật doanh nghiệp (đối với trường hợp tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài cùng góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên).

– Biên bản họp của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập về việc:

  • Nhất trí góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần môi giới bảo hiểm kèm theo danh sách các thành viên hoặc cổ đông sáng lập hoặc góp từ 10% vốn điều lệ trở lên;
  • Thông qua dự thảo Điều lệ công ty.

– Biên bản về việc ủy quyền cho một tổ chức, cá nhân góp vốn thay mặt cho cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục đề nghị cấp Giấy phép.

– Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đóng trụ sở chính xác nhận:

  • Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Việt Nam. Trường hợp quy định của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính không yêu cầu phải có văn bản chấp thuận thì phải có bằng chứng xác nhận việc này;
  • Doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm;
  • Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động kinh doanh môi giới bảo hiểm và các quy định pháp luật khác của nước tổ chức nước ngoài đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

– Văn bản cam kết của tổ chức, cá nhân góp vốn đối với việc đáp ứng điều kiện để được cấp Giấy phép theo nội dung tại Mục III.1.

IV. Thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động

Khoản 1 Điều 62 Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-VPQH quy định về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động bảo hiểm như sau:

Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

V. Thời gian giải quyết (Điều 65 Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-VPQH)

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính phải cấp hoặc từ chối cấp giấy phép. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích lý do.

VI. Kết quả thực hiện (Điều 65 Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-VPQH)

Kết quả của thủ tục xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động bảo hiểm là Giấy phép thành lập và hoạt động bảo hiểm đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

VII. Thủ tục sau khi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động. (Điều 16 Nghị định 73/2016/NĐ-CP)

1. Đăng bố cáo về việc thành lập Doanh nghiệp bảo hiểm, Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đăng báo hàng ngày trong 05 số báo liên tiếp về những nội dung chủ yếu như sau:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; tên, địa chỉ của chi nhánh nước ngoài;

– Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;

– Mức vốn điều lệ và số vốn điều lệ đã góp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; vốn được cấp của chi nhánh nước ngoài;

– Họ, tên của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

– Số và ngày cấp Giấy phép;

– Các nghiệp vụ bảo hiểm, nghiệp vụ môi giới bảo hiểm được phép kinh doanh.

2. Thực hiện việc ký quỹ tại Ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng một phần vốn điều lệ đã góp hoặc vốn được cấp để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam. Mức tiền ký quỹ bằng 2% vốn pháp định được quy định tại Mục I.2

3. Hoàn tất các thủ tục còn lại để chính thức đi vào hoạt động.

Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải hoàn tất các thủ tục dưới đây để chính thức hoạt động:

– Chuyển số vốn gửi tại tài khoản phong tỏa thành vốn điều lệ (hoặc vốn được cấp);

– Đăng ký mẫu dấu, đăng ký mã số thuế, mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng theo quy định pháp luật;

– Thực hiện các thủ tục đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài), phê chuẩn các chức danh quản trị, điều hành;

– Ban hành các quy trình khai thác, giám định, bồi thường, kiểm soát nội bộ, quản lý tài chính và đầu tư, quản lý chương trình tái bảo hiểm (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài).

Nếu quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không hoàn tất các thủ tục này theo quy định để bắt đầu hoạt động, Bộ Tài chính sẽ thu hồi Giấy phép đã cấp.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về thủ tục thành lập Công ty cổ phần môi giới bảo hiểm tại Việt Nam.

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.