Thủ tục đăng ký sáng chế

 I. Nguyên tắc nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam

Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2019) quy định trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

II. Các bước đăng ký sáng chế

Bước 1: Tra cứu sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký

Quý khách hàng nên tra cứu sáng chế của mình trước khi nộp đơn. Kết quả tra cứu sẽ giúp khách hàng xác định được liệu sáng chế dự định đăng ký hoặc dự định sử dụng có khả năng đăng ký và có xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của người khác hay không.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ cho việc đăng ký sáng chế

Sau khi có kết quả tra cứu sáng chế, chủ đơn đăng ký cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký sáng chế để nộp đơn đăng ký sáng chế.

Bước 3: Nộp đơn đăng ký tới Cục sở hữu trí tuệ

Sau khi đã chuẩn bị xong hồ sơ đăng ký sáng chế, quý khách hàng nên sớm nộp đơn đăng ký để có ngày ưu tiên đăng ký sớm nhất. Tại Việt Nam, nguyên tắc ngày ưu tiên được áp dụng, do đó, ai nộp đơn trước sẽ được hưởng quyền ưu tiên trước.

Bước 4: Thẩm định đơn sáng chế tại Cục sở hữu trí tuệ

Đơn đăng ký sáng chế sau khi được nộp sẽ trải qua các giai đoạn thẩm định hình thức, công bố đơn, thẩm định nội dung đơn trước khi được Cục sở hữu trí tuệ đồng ý hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền sáng chế.

Bước 5: Nhận giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ sáng chế

Đơn đăng ký sau khi trải qua các giai đoạn thẩm định và kết quả cho thấy đơn đủ điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ, chủ đơn sẽ tiến hành nộp phí cấp văn bằng và sẽ được Cục SHTT cấp bản gốc giấy chứng nhận đăng ký.

III. Hồ sơ đăng ký sáng chế

– Tờ khai (đơn) đăng ký bảo hộ sáng chế theo mẫu chung (02 bản được soạn thảo và ký bởi chủ đơn hoặc người được chủ đơn ủy quyền).

– Bản mô tả sáng chế bao gồm 03 phần: Phần mô tả, yêu cầu bảo hộ sáng chế, hình vẽ/sơ đồ (nếu có).

 Phần mô tả bao gồm các nội dung sau đây:

+ Tên sáng chế hoặc giải pháp hữu ích đăng ký;
+ Lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Tình trạng kỹ thuật của lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);
+ Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Những lợi ích (hiệu quả) có  thể đạt được].
+ Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích

Yêu cầu bảo hộ sáng chế: Sau phần mô tả sẽ là yêu cầu bảo hộ, lưu ý yêu cầu bảo hộ cần ngắn ngọn, rõ ràng và phải chứng minh được tính mới của của đối tượng được bảo hộ.

Hình vẽ hoặc sơ đồ (nếu có) sẽ được tách riêng thành từng phần (theo từng trang)

– Bản tóm tắt sáng chế đăng ký.

– Chứng từ lệ phí khi nộp đơn đăng ký sáng chế.

Ngoài tài liệu trên, trường hợp chủ đơn sử dụng dịch vụ đăng ký sáng chế của tổ chức dịch vụ sẽ cần thêm Giấy ủy quyền đăng ký.