Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế

1. Căn cứ pháp lý
– Luật đầu tư 2020;
– Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về việc điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế;
2. Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế
Tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức lại) được kế thừa và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đối với dự án đầu tư mà tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đã thực hiện trước khi tổ chức lại theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đất đai và pháp luật có liên quan.
Nhà đầu tư quyết định việc tổ chức lại và xử lý tài sản, quyền, nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Sau khi hoàn thành thủ tục tổ chức lại và xử lý tài sản, quyền, nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư, nhà đầu tư lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện
Bước 1: Nộp hồ sơ xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Hồ sơ bao gồm:
– Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
– Đề xuất dự án đầu tư điều chỉnh;
– Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của tổ chức kinh tế sau khi tổ chức lại;
– Bản sao nghị quyết hoặc quyết định của nhà đầu tư là tổ chức kinh tế bị tổ chức lại về việc tổ chức lại, trong đó có nội dung về việc xử lý tài sản, quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư;
– Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh;
– Báo cáo tình hình thực hiện dự án;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Hồ sơ bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ công ty;
– Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc nghị quyết và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chuyển đổi công ty;
– Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; Hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho cổ phần, phần vốn góp; Bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế theo quy định của pháp luật;
– Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên, cổ đông mới;
– Bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của nhà đầu tư;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có).
Cơ quan thụ lý hồ sơ:
(1) Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư
Nhà đầu tư cần chuẩn bị 08 bộ hồ sơ cho Bộ kế hoạch và Đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, 04 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 04 bộ hồ sơ cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
(2) Đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư 2020.
Nhà đầu tư cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
Cơ quan đăng ký đầu tư bao gồm:
– Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
– Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp: Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
– Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư đối với Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
Quy trình giải quyết:
– Thụ lý hồ sơ
– Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa hợp lệ
Nhà đầu tư nhận kết quả giải quyết hồ sơ mở công ty liên doanh:
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Kết quả nhận được là thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Kết quả nhà đầu tư nhận được là giấy chứng nhận đầu tư.
Sau đó doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp lên Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh/thành phố. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét và cấp giấy phép cho doanh nghiệp. Trường hợp nếu hồ sơ không hợp lệ và sai sót, sở Kế hoạch và đầu tư sẽ trả lời doanh nghiệp lý do thông qua văn bản.

Trên đây là tư vấn của Luật Khoa Tín về “Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế”.

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983 533 005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.