Thủ tục đổi tên Doanh nghiệp

Tên gọi của doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng xuyên suốt cả quá trình hoạt động kinh doanh, là cơ sở để tạo nên thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, các công ty vẫn có nhu cầu thay đổi tên.

1. Lưu ý khi đặt tên doanh nghiệp

Trước khi đặt tên cho công ty nên tham khảo và tra cứu tên trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 38, Điều 41, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về các trường hợp đặt tên trùng, gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký như sau:

– Đặt tên trùng với tên của doanh nghiệp đã đăng ký : Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

– Đặt tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký, gồm: 

  • Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;
  • Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Hồ sơ thay đổi tên doanh nghiệp

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký (Phụ lục II-1 Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT).

– Bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc đổi tên doanh nghiệp. (Biên bản phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty).

– Quyết định của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần/của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên/của chủ sở hữu đối với công ty TNHH 1 thành viên (do Chủ tịch Hội đồng quản trị/Chủ tịch hội đồng thành viên/chủ sở hữu ký).(Quyết định phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty).

– Giấy ủy quyền nộp hồ sơ và nhận kết quả thay đổi tên công ty (nếu có).

Hồ sơ thay đổi tên công ty sẽ được nộp tới Phòng đăng ký kinh doanh thông qua cổng thông tin trực tuyến về doanh nghiệp để được thẩm định nội dung.

Sau khi Phòng đăng ký kinh doanh nhận được hồ sơ đăng ký, chuyên viên sẽ thẩm định hồ sơ doanh nghiệp nộp để xem xét cấp giấy chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp nếu tên doanh nghiệp đăng ký thay đổi không trái với quy định về đặt tên doanh nghiệp.

3. Thủ tục sau khi đổi tên doanh nghiệp

Việc đổi tên doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của công ty, vì vậy, ngay sau khi đổi tên doanh nghiệp, quý công ty cần thực hiện các thủ tục sau:

  • Làm lại biển đặt tại trụ sở công ty.
  • Khắc lại dấu tròn công ty.
  • Thay đổi thông tin về chữ ký số, tài khoản ngân hàng.
  • Thông báo đổi tên với các đối tác, khách hàng của doanh nghiệp bằng văn bản và trên các trang website của công ty.
  • Thay đổi email, tên miền của website, logo, biển hiệu, tên công ty tại ngân hàng, văn bản nội bộ.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về “Thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp tại Việt Nam“.

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.