Thủ tục thành lập Hộ kinh doanh cá thể
I. Điều kiện thành lập hộ kinh doanh
1. Điều kiện về tên hộ kinh doanh
Việc đặt tên hộ kinh doanh phải bao gồm hai thành tố sau:
– Loại hình “Hộ kinh doanh”.
– Tên riêng của hộ kinh doanh (tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu).
Ngoài ra, tên của hộ kinh doanh không được vi phạm các điều cấm, không được trùng tên và không được gây nhầm lẫn theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng kí doanh nghiệp.
2. Điều kiện về chủ thể
Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có quyền thành lập hộ kinh doanh tại Việt Nam, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Có thể khái quát các điều kiện bị cấm thành 03 nhóm:
- Nhóm chủ thể không có năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự.
- Nhóm chủ thể bị pháp luật tước quyền.
- Nhóm chủ thể thuộc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
Ngành nghề kinh doanh phải khớp theo mã ngành cấp 5 trong hệ thống ngành nghề kinh tế quốc gia. Đối với những ngành nghề có điều kiện phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật để được thành lập (Ví dụ: điều kiện về chứng chỉ hành nghề, điều kiện về giấy phép hành nghề, điều kiện về vốn pháp định, các điều kiện khác).
II. Thành phần hồ sơ thành lập hộ kinh doanh
a) Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh
c) Bản sao các giấy tờ sau đây:
– Biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
– Văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
III. Trình tự, thủ tục thành lập hộ kinh doanh
Bước 1: Cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tại Ủy ban nhân dân Quận, Huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ Ủy ban nhân dân Quận, Huyện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và trao giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Bước 3: Xem xét, giải quyết hồ sơ:
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân Quận, Huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh.
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân Quận, Huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Bước 4: Cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy biên nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Ủy ban nhân dân Quận, Huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
IV. Kết quả thực hiện thủ tục
Kết quả thực hiện thủ tục là Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về thủ tục thành lập Hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam.
Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.
Trân trọng./.
Tin Tức mới nhất