Từ chối nhận di sản

Người thừa kế có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản, nếu việc từ chối phù hợp với quy định của pháp luật, và cũng có trường hợp người thừa kế không được phép từ chối quyền hưởng di sản. Quyền từ chối nhận di sản của người thừa kế được quy định trong Bộ luật Dân sự, bao gồm các quy định về thời điểm, hình thức, thủ tục từ chối.

Người từ chối nhận di sản là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật từ bỏ quyền nhận di sản thừa kế của mình. Việc từ chối nhận di sản là quyền của người được hưởng thừa kế, quyền này không bị phụ thuộc hoặc không cần sự đồng ý, chấp thuận của các thừa kế khác.

Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc từ chối nhận di sản như sau:

“Điều 620. Từ chối nhận di sản

  1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
  2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
  3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

1. Thời điểm từ chối nhận di sản

Thời điểm từ chối nhận di sản là trước thời điểm phân chia di sản. Quy định này nhằm đảm bảo tốt hơn cho việc thực hiện quyền của người hưởng di sản thừa kế. Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì coi như đồng ý nhận thừa kế.

2. Hậu quả pháp lý của việc từ chối nhận di sản thừa kế

Sau khi thực hiện việc từ chối nhận di sản thì phần di sản thừa kế sẽ được chuyển cho các thừa kế khác. Khi người thừa kế từ chối nhận di sản thì họ cũng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại mà nghĩa vụ đó sẽ được chuyển giao cho các thừa kế khác nhận di sản.

  • Hậu quả pháp lý của việc từ chối nhận di sản thừa kế theo pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, những người cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Theo đó, khi có một hoặc một số người trong hàng thừa kế từ chối nhận di sản thì phần phần của người hoặc những người từ chối đó sẽ được chia đều cho những người cùng hàng thừa kế với người từ chối nhận di sản đó. Hoặc trường hợp toàn bộ những người ở hàng thừa kế trước từ chối nhận di sản thì những người ở hàng thừa kế tiếp theo sẽ được nhận di sản.
  • Những người thừa kế theo di chúc từ chối quyền nhận di sản thì phần di sản đó sẽ được chia theo pháp luật.
  • Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc đồng thời là người thừa kế theo pháp luật thì tuỳ theo ý chí của họ liên quan đến việc từ chối, có thể là từ chối quyền thừa kế theo di chúc nhưng không từ chối quyền thừa kế theo pháp luật và người lại hoặc từ chối cả quyền thừa kế theo di chúc và theo pháp luật.
  • Bên cạnh đó, có trường hợp, những người đương nhiên được hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc mà từ chối nhận di sản thì phần di sản đó sẽ được chia cho những người thừa kế theo di chúc.

Bên cạnh quy định từ chối nhận di sản là quyền của người thừa kế thì pháp luật cũng quy định trường hợp người thừa kế không được quyền từ chối di sản, đó là việc từ chối đó nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của chính bản thân người từ chối.

Một người sau khi từ chối nhận di sản thì phần di sản mà người đó được hưởng sẽ được chuyển cho người thừa kế khác, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến di sản cũng không còn. Khi đó, người từ chối muốn thay đổi, sửa đổi hoặc huỷ bỏ văn bản từ chối thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của các thừa kế khác, đồng thời việc huỷ bỏ văn bản từ chối phải được thực hiện khi tài sản thừa kế chưa được khai nhận hoặc thảo thuận và phải được thực hiện tại tổ chức hành nghề nơi đã công chứng văn bản từ chối di sản. Vì vậy, cá nhân, tổ chức cần đặc biệt cân nhắc kỹ trước khi thực hiện việc từ chối nhận di sản thừa kế.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về vấn đề từ chối nhận di sản thừa kế. Trường hợp quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.

(Luật sư Trịnh Thị Ngân)