Tư vấn các quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch cho vay với lãi suất 5%/tháng

I. Căn cứ pháp lý

– Bộ Luật dân sự năm 2015;

– Bộ Luật hình sự năm 2015;

– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

II. Ý kiến pháp lý

1. Hiệu lực của giao dịch cho vay

Theo quy định tại Điều 463 Bộ Luật dân sự năm 2015: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Như vậy, giao dịch cho vay tiền của Quý khách hàng là giao dịch cho vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất. Để giao dịch này có hiệu lực, thỏa thuận vay tài sản phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 117 Bộ Luật dân sự năm 2015, cụ thể:

a. Bên vay và bên cho vay có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

Về năng lực pháp luật: Theo quy định tại Điều 19 Bộ Luật dân sự năm 2015, mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật từ khi sinh ra đến khi chết đi. Như vậy cả bên vay và bên cho vay đều có năng lực pháp luật. 

Về năng lực hành vi dân sự: Theo quy định tại Điều 20, Điều 21 Bộ Luật dân sự năm 2015, độ tuổi là yếu tố xác định năng lực hành vi dân sự của một cá nhân. Nếu cả bên vay và bên cho vay đều đủ 15 tuổi trở lên thì hai bên hoàn toàn tự do thỏa thuận vay tiền. Nếu bên vay hoặc bên cho vay chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người đó mới được thực hiện giao dịch này. 

b. Cả bên cho vay và bên vay đều hoàn toàn tự nguyện;

c. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Khi giao dịch của Quý khách hàng thỏa mãn các điều kiện trên thì giao dịch có hiệu lực. Tuy nhiên, cần xem xét đến lãi suất cho vay và thời hạn cho vay trong giao dịch này. 

2. Lãi suất cho vay

Theo quy định tại khoản 1, Điều 468 Bộ Luật dân sự năm 2015: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay…”

Như vậy, Quý khách hàng có thể thỏa thuận về lãi suất cho vay nhưng không được vượt quá 20% của khoản tiền vay. 

Theo thông tin cung cấp, Quý khách hàng đang thực hiện giao dịch cho vay với lãi suất 5%/tháng, tương đương 60%/năm. Mức lãi suất Quý khách hàng đang áp dục cao gấp 3 lần mức lãi suất tối đa pháp luật cho phép các bên được thỏa thuận. 

Theo quy định tại khoản 1, Điều 468 Bộ Luật dân sự năm 2015: “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Như vậy phần lãi suất vượt quá tương đương với 40%/năm của khoản tiền vay sẽ không có hiệu lực.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm đ, khoản 4, Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, Quý khách hàng có thể bị phạt hành chính từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng với hành vi không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền với lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự. 

Ngoài ra, pháp luật hình sự có quy định về tội phạm liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng nên cần xem xét hành vi của Quý khách hàng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? 

Theo quy định tại Điều 201 Bộ Luật hình sự 2015: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

Theo quy định trên, khi Quý khách hàng cho vay với lãi suất cao gấp 5 lần mức lãi suất tối đa theo Bộ Luật dân sự tương đương lãi suất 100%/năm của khoản tiền vay và thu khoản lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì Quý khách hàng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng. Trường hợp của Quý khách hàng, mức lãi suất cho vay chỉ cao gấp 3 lần lãi suất tối đa theo bộ luật dân sự nên không cần xem xét đến trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính như đã phân tích ở trên.

3. Thời hạn cho vay

Quý khách hàng chưa cung cấp các tin nhắn liên quan đến thỏa thuận vay tiền nên chúng tôi chưa xác định được giao dịch này là giao dịch cho vay có kỳ hạn hay không kỳ hạn. 

Theo quy định tại khoản 1, Điều 469 Bộ Luật dân sự năm 2015: “Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, nếu Quý khách hàng không thỏa thuận về thời hạn vay thì Quý khách hàng có thể đòi lại khoản tiền đã cho vay bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo trước cho bên vay một khoảng thời gian hợp lý. 

Nếu quý khách hàng có thỏa thuận về thời hạn vay, khi đến thời hạn phải trả nợ thì bên vay mới có nghĩa vụ trả lại khoản tiền đã vay. 

Trên đây là ý kiến tư vấn pháp lý của Luật Khoa Tín. Trường hợp cần bổ sung thêm thông tin, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng.