Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Dân sự

Trong trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiên, thực hiện không đúng, không đẩy đủ các nghĩa vụ mà họ đã cam kết, thì người có quyền có thể áp dụng biện pháp bảo đảm nghĩa vụ do các bên thỏa thuận hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp để buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết nhằm bảo đảm quyền lợi cho mình.

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đều mang tính chất dự phòng và luôn tổn tại kèm theo một nghĩa vụ chính nên chỉ được áp dụng khi bên có nghĩa vụ đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ chính mà họ đã tự nguyện cam kết. Tùy từng trường hợp và tùy thuộc vào việc cam kết, thỏa thuận, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có những quy chế xử lí khác nhau. Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự sau đây: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, kí cược, kí quỹ, bảo lãnh, phạt vi phạm. Mỗi biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có đặc trưng và bản chất pháp lí khác nhau.

1. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản. Các biện pháp được sử dụng nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện. Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại. Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó nữa. 

2. Quy định của pháp luật dân sự về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Theo nguyên tắc được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng, chỉ cần thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Vì vậy, phạm vi biện pháp bảo đảm xác định theo thỏa thuận của các bên, các bên có quyền thỏa thuận biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tài sản sử dụng để bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm. Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm cả tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm mới thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Giá trị tài sản bảo đảm khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự. Một tài sản có thể được dùng để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng các giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Chỉ công việc phải thực hiện được mới là đối tượng của các biện pháp bảo đảm (trong biện pháp bảo lãnh và biện pháp tín chấp). Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bản chất là một quan hệ trái quyền: Bên có quyền (bên nhận bảo đảm) chỉ có thể thỏa mãn được quyền của mình thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ (bên bảo đảm hoặc bên được bảo đảm). Khi bên được bảo đảm không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ trước bên nhận bảo đảm sẽ xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của bên nhận bảo đảm. Lúc này, lợi ích của bên nhận bảo đảm chỉ được thỏa mãn thông qua hành vi tực hiện nghĩa vụ thay của bên bảo đảm. Chính vì vậy, khi đối tượng của các biện pháp bảo đảm là công việc thì nó phải là công việc phải thực hiện, ví dụ: việc người bảo lãnh thực hiện một công việc cho bên nhận bảo lãnh theo thỏa thuận.

Bản chất của các biện pháp đảm bảo là những hợp đồng dân sự, do đó hiệu lực của các biện pháp đảm bảo phải tuân theo quy định về hiệu lực của các hợp đồng dân sự theo Điều 401 BLDS 2015: “Hợp đồng được giao kết hơp pháp có hiệu lực tại thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác”.

Khi xem xét mối quan hệ về hiệu lực giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ, BLDS đã quy định: hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực của nó không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Còn hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực của nó phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính (khoản 3, 4 Điều 402 BLDS 2015). Nếu hợp đồng chính vô hiệu sẽ kéo theo sự vô hiệu của hợp đồng phụ. Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 407 BLDS 2015 quy định, Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối vói các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự“. Cho nên với quy định này chúng ta thấy rằng, trường hợp một nghĩa vụ dân sự có kèm theo biện pháp bảo đảm mà nghĩa vụ dân sự đó vô hiệu thì các biện pháp bảo đảm chưa chắc đã vô hiệu theo.

Theo quy định tại Điều 299 BLDS 2015, các trường hợp được xử lý tài sản bảo đảm bao gồm: Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật; trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

BLDS 2015 không đưa ra nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm mà chỉ quy định về nghĩa vụ thông báo việc xử lý tài sản bảo đảm của bên xử lý tài sản bảo đảm trước khi xử lý tài sản bảo đảm tại Điều 300. Việc thông báo này bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản và phải báo trước một khoảng thời hạn hợp lý cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo bảm biết. Trong trường hợp bên xử lý tài sản bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến thiệt hại cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm thì phải bồi thường thiệt hại.

Phụ thuộc vào từng nội dung của từng quan hệ nghĩa vụ cụ thể và các điều kiện của các chủ thể tham gia quan hệ ấy. Các biện pháp bảo đảm hầu hết có các đặc điểm chung sau: 

  • Các biện pháp bảo đảm mang tính chất bổ sung cho nghĩa vụ chính. Các biện pháp bảo đảm không tồn tại độc lập mà luôn phụ thuộc và gắn liền với một nghĩa vụ nào đó.
  • Các biện pháp bảo đảm đều có mục đích nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ dân sự, đặc biết là nâng cao trách nhiệm trong giao kết hợp đồng của hai bên. Mỗi một biện pháp bảo đảm có đặc điểm và tính chất riền biệt nên việc áp dụng biện pháp nào thì hai bên phải có sự cân nhắc, đánh giá.
  • Phạm vi bảo đảm của các biện pháp bảo đảm không vượt quá phạm vi nghĩa vụ đã được quy định trong nội dung của quan hệ nghĩa vụ chính, nghĩa là bên bảo đảm chỉ được sử dụng biện pháp bảo đảm để bảo đảm cho một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ có trong hợp đồng. 
  • Các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ chỉ được áp dụng khi có sự vi phạm nghĩa vụ hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín liên quan đến các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật dân sự. 

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.